Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng kỳ 1: Hành động theo niềm tin

Người đăng: buonkhongem on Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013


Cuốn sách thứ hai của Nick Vujicic Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng do First News mua bản quyền và biên dịch bởi dịch giả Nguyễn Bích Lan.


Lời giới thiệu

Chào mừng các bạn đến với cuốn sách thứ hai của tôi. Tên tôi là Nick Vujicic. Có thể bạn chưa đọc cuốn sách đầu tay của tôi, cuốnCuộc sống không giới hạn, nhưng bạn có thể đã từng xem những video của tôi trên YouTube hoặc đã dự một trong những buổi diễn thuyết vòng quanh thế giới của tôi.

Nhìn ảnh của tôi trên bìa sách, các bạn có thể biết tôi sinh ra không có chân, không có tay. Điều mà các bạn không thể nhìn thấy nhưng có thể cảm nhận được là sự khuyết thiếu tứ chi này không thể ngăn cản tôi tận hưởng những chuyến phiêu lưu thú vị, không thể ngăn cản tôi vươn tới một sự nghiệp đầy ý nghĩa và mãn nguyện, càng không thể cản trở tôi có được những mối quan hệ đầy tình yêu thương.

Tôi viết cuốn sách này với mục đích chia sẻ với các bạn sức mạnh không gì ngăn cản được của niềm tin trong hành động, nguồn sức mạnh đã giúp tôi tạo lập một cuộc sống tốt đẹp đến mức diệu kỳ, bất chấp những khuyết tật nặng nề. Đặt niềm tin vào hành động có nghĩa là tin tưởng và đạt được thành quả. Đó là niềm tin vào bản thân bạn, tài năng của bạn, mục đích của bạn, và quan trọng hơn hết, là niềm tin vào tình yêu của Đấng Sáng Tạo và những kế hoạch quan trọng mà Người dành cho cuộc đời bạn.

Nguồn cảm hứng để tôi viết cuốn sách này đến từ những người thuộc mọi lứa tuổi trên khắp thế giới, những người tôi đã cho lời khuyên và hướng dẫn họ đương đầu với những thách thức trong cuộc sống. Từ những buổi diễn thuyết của tôi, họ biết rằng tôi đã vượt qua nghịch cảnh, thậm chí vượt qua ý định tự vẫn đã thoáng hiện trong tôi vài lần khi tôi còn nhỏ, khi tôi vật vã với những câu hỏi làm thế nào tôi có thể tự nuôi sống mình, liệu tôi có tìm được một người phụ nữ yêu tôi hay không, khi tôi chìm trong cảm giác buồn khổ và chán chường vì bị bắt nạt, bị chế giễu, và vì nhiều vấn đề khác, nhiều nỗi bất ổn khác bủa vây. 

Các chương trong cuốn sách này xoay quanh những câu hỏi và những thách thức mà mọi người nêu ra khi họ nói chuyện và viết thư cho tôi. Đó là:

· Những khủng hoảng cá nhân

· Những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ

· Những thách thức trong công việc và sự nghiệp

· Những mối quan tâm về sức khỏe và khuyết tật

· Những ý nghĩ, cảm xúc tiêu cực và các chứng nghiện ngập

· Sự bắt nạt, khủng bố, sự tàn nhẫn và thiếu khoan dung

· Việc đương đầu với những vấn đề vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta

· Cách tiếp cận và giúp đỡ người khác

· Cách tìm được sự thăng bằng về thể chất, tinh thần, trái tim và tâm hồn

Tôi hy vọng rằng việc chia sẻ những câu chuyện của tôi và của những người khác, những người đã kiên trì vượt qua bao khó khăn thử thách trong cuộc sống – nhiều người trong số họ đáng khâm phục hơn tôi nhiều – sẽ giúp ích và khích lệ các bạn vượt qua những thách thức mà các bạn đang phải đối mặt. Dĩ nhiên tôi không có tất cả mọi câu trả lời. Nhưng tôi sẽ trao cho các bạn tất cả những gì mà tôi đã có được từ những lời khuyên tuyệt vời của những con người thông thái cũng như từ tình yêu và phước lành của Chúa.

Tôi nghĩ các bạn sẽ nhận thấy sự chia sẻ của tôi trong những trang sách này giàu tính thực tiễn và đầy tính khích lệ. Bạn hãy luôn nhớ một điều rất quan trọng rằng bạn không bao giờ đơn độc. Bạn luôn luôn có sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình, thầy cô giáo, những người cố vấn và hỗ trợ tinh thần cho bạn. Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn phải một mình đương đầu với những gánh nặng của mình.

Bạn cũng nên biết rằng trên đời này vẫn còn rất nhiều người đã và đang phải đương đầu với những thách thức như bạn. Cuốn sách này sẽ kể với bạn nhiều câu chuyện về những con người mà tôi quen biết và những người đã viết thư cho tôi để chia sẻ kinh nghiệm của họ. Trong một số trường hợp tôi đã thay đổi tên nhân vật, nhưng những câu chuyện được kể thì hoàn toàn là sự thật và luôn tràn đầy sự khích lệ bởi đó là những câu chuyện về lòng dũng cảm, niềm tin và ý chí sắt đá.

Khi còn là một cậu bé phải cố gắng thích nghi với những khuyết tật của mình, tôi đã thật sai lầm khi nghĩ rằng không ai trên đời này phải chịu đựng những nỗi đau như tôi và rằng những khó khăn của tôi khủng khiếp đến mức không thể vượt qua nổi. Tôi cứ nghĩ rằng sự khuyết thiếu tứ chi của tôi là bằng chứng cho thấy Đấng Sáng Tạo không yêu thương tôi và rằng cuộc đời tôi chẳng có mục đích gì hết.

Tôi cũng cảm thấy rằng tôi không thể chia sẻ gánh nặng của mình – không thể chia sẻ ngay cả với những người luôn yêu thương và quan tâm đến tôi. Tôi đã lầm. Tôi không hề đơn độc trong khó khăn và đau đớn. Quả thật trên đời này có nhiều người đã và đang phải đương đầu với những thách thức lớn hơn cả những gì mà tôi đã gặp. Và Chúa không chỉ yêu thương tôi, Người còn cho tôi những mục đích mà khi còn bé tôi không thể hình dung ra. Người đã sử dụng tôi theo những cách khiến tôi không khỏi ngạc nhiên đến kinh ngạc mỗi ngày.

Bạn nên biết rằng chừng nào bạn còn sống trên đời này, thì còn có một mục đích, một kế hoạch dành cho bạn. Những gánh nặng mà bạn mang có thể làm bạn nản chí, nhưng như bạn sẽ thấy trong những trang sách mà bạn sắp đọc này, sức mạnh của niềm tin trong hành động thực sự rất kỳ diệu.

Để bắt đầu hiểu điều này, bạn chỉ cần nhớ rằng tôi, con người không chân không tay này, đã đi khắp thế giới, đã đến được với hàng triệu người và được hưởng niềm vui cũng như tình yêu không thể đong đếm được.

Tôi khiếm khuyết như bất cứ ai bạn sẽ gặp trong đời. Tôi cũng có những ngày vui vẻ, những ngày tồi tệ. Những thách thức nảy sinh trong cuộc sống đôi khi khiến tôi quỵ ngã. Tuy nhiên tôi biết rằng khi chúng ta đặt niềm tin vào hành động thì không gì có thể ngăn cản được chúng ta vươn tới một cuộc sống tốt đẹp.

NIỀM TIN TRONG HÀNH ĐỘNG

Năm 2011, khi tôi sắp kết thúc chuyến diễn thuyết của mình ở Mexico, nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Mexico gọi điện tới thông báo với tôi rằng hộ chiếu lao động của tôi ở Mỹ bị vô hiệu hóa vì “một cuộc điều tra an ninh quốc gia”. Tôi sinh sống ở Mỹ nhờ tấm visa đó bởi vì tôi là người Australia. Tôi không thể trở về nhà của mình ở California mà không có visa. Và vì các nhân viên của tôi đã lên chương trình cho một loạt các buổi diễn thuyết ở Mỹ cho nên sự cố này thực sự là một vấn đề nghiêm trọng.

Sáng sớm hôm sau tôi cùng với Richie, người chăm sóc của tôi, lập tức đến Đại sứ quán Mỹ để cố tìm hiểu xem visa của tôi có hại gì cho an ninh quốc gia. Khi đến đó, chúng tôi thấy ở khu vực tiếp tân của đại sứ quán có rất nhiều người đang cố giải quyết các vấn đề của mình. Chúng tôi lấy số, giống như xếp hàng ở một cửa hiệu bánh mì vậy. Cuộc chờ đợi kéo dài đến nỗi trước khi chúng tôi được gọi vào gặp người của đại sứ quán thì tôi đã kịp ngủ một giấc dài.

Thường thì khi căng thẳng, tôi lại trở nên hài hước. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng có tác dụng. “Có vấn đề với dấu vân tay của tôi trên visa phải không ạ?”, tôi đùa. Người của đại sứ quán nhìn tôi trừng trừng. Rồi ông ta gọi cho cấp trên của mình. (Chẳng lẽ khiếu hài hước của tôi là mối đe dọa đối với an ninh của nước Mỹ?).

Cấp trên của ông ta tới, trông cũng lạnh lùng không kém, đến nỗi tôi hình dung ra cảnh mình phải ở sau song sắt.

“Tên của anh đã trở thành một phần của một cuộc điều tra”, ông ta tuyên bố như một cái máy. “Anh không thể trở về Mỹ cho đến khi mọi chuyện được làm sáng tỏ. Quá trình điều tra có thể kéo dài một tháng”.

Tôi cảm thấy như thể máu trong người mình khô cạn. Không thể có chuyện như vậy được. Richie sụp xuống sàn. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ cậu ấy bị ngất, nhưng hóa ra cậu sụp xuống để cầu nguyện trước cả hai trăm người có mặt ở đó. Đúng vậy, Richie là một người chăm sóc rất tận tâm. Cậu giơ hai cánh tay lên trời, chắp hai bàn tay vào nhau, cầu xin Đức Chúa Trời hãy ban cho chúng tôi một phép màu để chúng tôi có thể trở về nhà.

Cùng một lúc, tôi thấy mọi thứ xung quanh mình vừa như đang trôi nhanh vừa như đang chuyển động một cách chậm chạp. Trong khi đầu óc tôi quay cuồng, nhân viên đại sứ quán cho biết thêm rằng tên của tôi có thể được gắn thẻ đánh dấu do tôi đã đi đến nhiều nơi trên thế giới. Họ nghi ngờ tôi là một tên khủng bố quốc tế ư? Một kẻ buôn bán vũ khí không có tay ư? Thú thực tôi chưa bao giờ gây hại cho ai hết.

“Thôi nào, tôi hỏi thật, tôi như thế này làm sao có thể là người nguy hiểm được?”, tôi hỏi nhân viên đại sứ quán. “Ngày mai tôi có cuộc gặp với tổng thống và phu nhân của ông ấy tại phủ tổng thống trong bữa tiệc Ngày Chúa Ba Ngôi, vậy thì làm sao có thể coi tôi là một mối đe dọa được”.

Nhân viên đại sứ quán Mỹ không hề động lòng. Ông ta nói: “Anh có gặp Tổng thống Obama chăng nữa thì tôi cũng không quan tâm. Anh không được quay trở lại nước Mỹ cho đến khi cuộc điều tra kết thúc”.

Tình huống này có thể là chuyện khôi hài nếu như lịch của tôi không gồm một danh sách dài các buổi diễn thuyết ở Mỹ. Tôi phải trở về Mỹ.

Tôi không định ngồi khoanh tay đợi ai đó quyết định rằng sự có mặt của Nick ở nước Mỹ không gây ảnh hưởng gì cho sự an toàn của người Mỹ. Tôi nài xin nhân viên đại sứ quán thêm vài phút nữa, giải thích những việc tôi phải làm, nêu tên của một số nhân vật quan trọng, nhấn mạnh rằng các nhân viên của tôi và những đứa trẻ mồ côi đang mong ngóng tôi trở về.

Ông ta gọi điện cho ai đó cấp cao hơn rồi nói: “Tất cả những gì họ có thể làm là cố gắng đẩy nhanh quá trình điều tra. Sẽ phải mất ít nhất hai tuần”.

Hai tuần ư? Tôi có đến hơn mười cuộc diễn thuyết đã được lên kế hoạch trong hai tuần ấy. Nhưng người của đại sứ quán không hề tỏ ra thông cảm. Chúng tôi chẳng thể làm gì hơn là trở về khách sạn, bắt đầu cuống cuồng gọi điện cho tất cả những người tôi quen biết để nhờ họ giúp đỡ, để nhờ họ cầu nguyện cho chúng tôi.

Tôi biến sức mạnh của niềm tin thành hành động.

Nói một cách đơn giản, khi bạn tin vào một điều gì đó không thôi thì chưa đủ. Nếu bạn muốn tạo được ảnh hưởng trong thế giới này, bạn phải đưa niềm tin của bạn vào hành động. Trong trường hợp này tôi đã đưa niềm tin vào sức mạnh của sự cầu nguyện. Tôi gọi cho đội của tôi tại một tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức Life Without Limbs (LWL) ở California, đề nghị họ bắt đầu thực hiện buổi cầu nguyện tập thể.

Nhân viên của LWL lập tức gọi nhiều cuộc điện thoại, gửi một loạt thư điện thử và tin nhắn qua các mạng truyền thông. Trong vòng một giờ đồng hồ, một trăm năm mươi người đã cầu nguyện cho tôi thoát khỏi khó khăn liên quan đến visa của tôi. Tôi cũng gọi điện cho bạn bè, những người ủng hộ có ảnh hưởng, những người bà con, những người hàng xóm, cả các bạn học cũ ở Bộ ngoại giao Mỹ.

Ba giờ sau, một người của đại sứ quán Mỹ ở Mexico gọi điện cho tôi.

“Tôi không tin nổi chuyện này, nhưng quả thật là anh đã được phép trở về Mỹ”, người đó nói. “Cuộc điều tra đã đã kết thúc. Anh có thể đến đại sứ quán lấy visa đã được gia hạn của anh vào sáng mai”.

Các bạn ạ, đó là sức mạnh của niềm tin trong hành động! Đó là sức mạnh có thể dời núi và nó cũng có thể đưa Nick ra khỏi Mexico.

Hành động theo niềm tin

Trong những chuyến đi vòng quanh thế giới, tôi thấy những người đang phải đương đầu với khó khăn thường đề nghị tôi cho họ lời khuyên và cầu nguyện giúp họ. Thường thì những người đó biết mình cần phải làm gì, nhưng họ ngại thực hiện sự thay đổi hoặc sợ phải thực hiện bước tiến đầu tiên.

Có thể bạn cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn khiến bạn cảm thấy bất lực, sợ hãi, bế tắc, tê liệt, chao đảo và mất khả năng hành động. Tôi hiểu tình cảnh đó. Tôi đã từng lâm vào tình cảnh đó. Khi những bạn trẻ ở tuổi mới lớn đến gặp tôi và kể rằng họ bị bắt nạt, rằng họ cảm thấy mất phương hướng và đơn độc trên đời này, hoặc họ cảm thấy sợ vì bị khuyết tật, ốm đau, hoặc có những ý nghĩ tiêu cực, tôi thấu hiểu nỗi lòng của họ.

Mọi người có thể dễ dàng thấy được những thách thức về mặt thể chất mà tôi phải đối mặt, tuy nhiên chỉ cần nói chuyện với tôi hoặc nghe tôi nói vài phút là ai cũng hiểu tôi sống vui như thế nào mặc dù tôi bị khuyết tật nặng nề. Cho nên mọi người thường hỏi tôi làm thế nào mà tôi có thể sống một cách tích cực và đầy lạc quan như vậy, và tôi tìm ở đâu ra sức mạnh để vượt lên những khuyết tật nặng nề đó.

Câu trả lời của tôi luôn là: “Tôi cầu nguyện để xin Chúa phù hộ cho tôi, và sau đó tôi biến niềm tin của mình hành động cụ thể”. Tôi luôn giữ niềm tin trong tim. Tôi tin vào những điều mà tôi không có bằng chứng cụ thể - những điều mà tôi không thể nhìn, sờ, ngửi hoặc nghe thấy. Trên hết, tôi có niềm tin ở Chúa. Mặc dù tôi không thể chạm vào Người, tôi tin rằng Người tạo ra tôi trên đời này vì một mục đích, và tôi tin rằng khi tôi biến niềm tin trong tôi thành hành động cụ thể, tôi đã đặt mình vào vị trí được Chúa ban phước.

Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ cần đặt niềm tin vào điều gì đó thôi là đủ. Bạn có thể tin vào những giấc mơ của mình, nhưng bạn phải hành động để biến những giấc mơ ấy thành hiện thực. Bạn có thể tin vào tài năng của mình, tin vào những khả năng mình đang có, nhưng nếu bạn không miệt mài phát triển những tài năng đó và không sử dụng chúng, thì liệu chúng có ích không? Bạn có thể tin rằng mình là một người tốt, luôn quan tâm đến người khác, nhưng nếu bạn không đối xử với những người khác bằng lòng tốt và sự quan tâm thì bằng chứng đâu mà bạn có thể coi mình là người tốt?

Bạn có một sự lựa chọn. Bạn có thể tin hoặc không tin. Nhưng nếu bạn tin – bất cứ điều gì bạn tin – bạn phải thể hiện niềm tin bằng hành động cụ thể. Nếu không tại sao bạn lại tin chứ? Bạn có thể gặp phải những thách thức trong sự nghiệp, trong các mối quan hệ, hoặc gặp vấn đề về sức khỏe. Có thể bạn bị ngược đãi, bị lạm dụng, hoặc bị kỳ thị.

Tất cả những gì xảy ra với bạn định nghĩa con người bạn, định nghĩa cuộc sống của bạn nếu bạn không hành động để định nghĩa chính mình. Bạn có thể tin vào tài năng của mình. Bạn có thể tin rằng bạn có tình yêu thương để san sẻ. Bạn có thể tin rằng bạn đủ sức vượt qua bệnh tật hoặc khuyết tật. Nhưng chỉ tin không thôi thì bạn sẽ chẳng thể tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình.

Bạn phải biến niềm tin thành hành động.

Nếu bạn tin rằng mình có thể thay đổi cuộc sống của bản thân theo hướng tốt đẹp hơn hoặc có thể tạo ra dấu ấn tích cực tại nơi bạn đang sống hoặc trên cả thế giới, bạn hãy thể hiện niềm tin của mình bằng hành động. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có một ý tưởng tuyệt vời để bắt đầu công việc kinh doanh, thì bạn phải đầu tư thời gian, tiền bạc, tài năng và phải bắt tay thực hiện việc kinh doanh đó. Nếu không, ý tưởng tuyệt vời của bạn có ích gì? Nếu bạn đã xác định được người nào đó mà bạn muốn chung sống trong suốt cuộc đời, thì tại sao bạn lại không hành động theo niềm tin đó? Bạn có gì để mất đâu?

Phần thưởng xứng đáng của việc hành động theo niềm tin

Có niềm tin là một điều tuyệt vời, nhưng cuộc sống của bạn được đo bằng những hành động thể hiện niềm tin của mình. Bạn có thể tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp từ niềm tin của mình. Tôi đã tạo dựng cuộc sống của tôi bằng niềm tin không gì lay chuyển nổi rằng tôi có thể khích lệ và mang đến hy vọng cho những người đang phải đối mặt với khó khăn thử thách trong cuộc sống. Niềm tin đó bắt nguồn từ niềm tin ở Chúa trong tôi. Tôi tin rằng Chúa tạo ra tôi trên đời này để yêu thương, khích lệ và khuyến khích những người khác.

Tôi sinh ra không có chân tay không phải vì tôi bị Chúa trừng phạt. Bây giờ tôi biết rõ điều đó. Tôi đã hiểu ra rằng “khuyết tật” của tôi thực sự là để nâng cao khả năng tôi phục vụ cho những mục đích mà Đấng Sáng Tạo dành tôi trong vai trò của một diễn giả và một nhà truyền giáo. Bạn có thể nghĩ rằng tôi đang được niềm tin nâng bổng nên mới cảm thấy như vậy, bởi vì hầu hết mọi người đều coi tình trạng của tôi là một khuyết tật nặng nề. Nhưng quả thật Chúa đã sử dụng sự khuyết thiếu chân tay của tôi để đưa mọi người đến với tôi, đặc biệt là những người khuyết tật, để tôi có thể khích lệ và khuyến khích họ bằng những thông điệp về niềm tin, hy vọng và tình yêu.

Tôi đã từng nghe nói rằng hành động đối với niềm tin cũng tựa như thể xác đối với linh hồn. Thể xác là nơi trú ngụ của linh hồn, là bằng chứng cho sự tồn tại của linh hồn. Tương tự như vậy, hành động của bạn là bằng chứng của niềm tin trong bạn.

Chắc hẳn bạn không hề hoài nghi khi nghe câu “lời nói phải đi đôi với việc làm”. Gia đình, bạn bè, thầy cô giáo, ông chủ, đồng nghiệp, khách hàng của bạn, ai cũng mong bạn hành động và sống đúng với niềm tin mà bạn tuyên bố rằng bạn có. Nếu bạn không hành động và sống đúng với niềm tin của mình thì họ sẽ không tin tưởng bạn nữa, đúng không?

Bạn bè đánh giá chúng ta không phải qua những gì chúng ta nói mà qua những việc chúng ta làm. Nếu bạn là một người cha người mẹ tốt thì nhiều khi bạn sẽ phải đặt lợi ích của gia đình lên trên lợi ích của bản thân. Bạn phải để lời nói của mình đi đôi với việc làm; nếu không bạn sẽ không có được sự tín nhiệm của người khác, và cả của chính bạn. Nếu bạn không làm như vậy, thì bạn sẽ không bao giờ có thể sống một cách hài hòa và hạnh phúc.

Khi bạn hành động theo niềm tin và khi bạn biến niềm tin thành hành động, bạn sẽ trải nghiệm được sự thỏa mãn.Xin đừng nản lòng nếu như bạn không có được niềm tin kiên định vào mục đích, và cũng không biết chắc phải hành động thế nào để thực hiện mục đích của đời mình. Tôi đã phải đấu tranh rất vất vả để vượt qua biết bao khó khăn và giờ đây vẫn đang không ngừng vật lộn để vươn lên trong cuộc sống. Bạn cũng sẽ như vậy. Tôi tìm thấy mục đích của mình bởi vì tôi đã không ngừng tìm kiếm chân lý.

Tìm được mục đích sống hoặc điều tốt đẹp trong những hoàn cảnh khó khăn thật không dễ dàng gì, đó là cả một hành trình. Tại sao nhất thiết phải là một hành trình? Tại sao không thể có chuyện một chiếc trực thăng đón bạn và đưa bạn bay thẳng đến đích? Đó là bởi vì qua những khó khăn thử thách, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều, sẽ phát triển được niềm tin và yêu thương con người nhiều hơn. Đó là hành trình của niềm tin, bắt đầu bằng tình yêu và kết thúc cũng bằng tình yêu.

Frederick Douglass, người từ cuộc đời nô lệ trở thành một nhà hoạt động xã hội của Mỹ đã nói: “Nếu không có đấu tranh thì không có tiến bộ”. Tính cách của bạn được hình thành từ những thách thức mà bạn đối mặt và vượt qua. Lòng can đảm của bạn phát triển khi bạn đối mặt với những nỗi sợ hãi. Sức mạnh và niềm tin của bạn được xây dựng và củng cố nhờ được thử thách và rèn luyện qua những trải nghiệm trong đời sống.

Đón đọc kỳ 2: Niềm tin trong hành động

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét