Những ngành học được miễn học phí năm 2013

Người đăng: buonkhongem on Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013


Ngoài một số ngành như sư phạm, công an, quân đội, nhiều ngành học ở các trường đại học khác cũng có chính sách miễn 100% học phí. sau đây là danh sách 17 ngành học cử nhân miễn phí năm 2013.

1. Ngành năng lượng nguyên tử

Nguồn: zmescience.

Nhằm thu hút nhân lực cho lực cho các nhà máy điện hạt nhân, ngành Năng lượng nguyên tử được đưa vào đạo tạo miễn phí ở 6 trường: ĐH Điện lực (Hà Nội), ĐH Đà Lạt (Lâm Đồng), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM). Ngoài việc không phải đóng học phí, sinh viên theo học ngành này còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như miễn phí ở ký túc xá, sinh viên khá giỏi sẽ có học bổng, sinh viên năm cuối đạt khá giỏi sẽ được chọn đi tu nghiệp tại nhiều nước trên thế giới như Nga, Nhật...

2. Máy tính và khoa học thông tin (ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội)

Với ngành này, sinh viên sẽ được trang bị nền tảng kiến thức về cấu trúc máy tính, hệ điều hành, ngôn ngữ lập trình phần mềm và phần cứng. Năm nay ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) sẽ có 115 chỉ tiêu cho thí sinh thi khối A hoặc A1. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm các công việc như thiết kế, xây dựng, phân tích và đánh giá các hệ thống công nghệ thông tin; tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp thông tin, tham mưu, tư vấn cho các công ty trong lĩnh vực CNTT

3. Khoa học vật liệu (ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội)

Đây là ngành khoa học liên ngành nghiên cứu về mối quan hệ giữa thành phần, cấu trúc, các công nghệ chế tạo, xử lý và tính chất của các vật liệu. Năm nay, ngành này có hai khối thi đầu vào là A, A1 với chỉ tiêu 30. Sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các ngành công nghệ cao, viện nghiên cứu, tập đoàn kinh tế của Nhà nước, các trường đại học. Đặc biệt, nếu tốt nghiệp loại giỏi, ngoại ngữ tốt, các tân cử nhân có thể nhận được học bổng học tại Mỹ, Nhật Bản...

4. Triết học Mác - Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh

Đây là một trong những ngành học khá kén sinh viên, điểm đầu vào không cao và được đào tạo ở nhiều trường đại học. Sau khi có được những kiến thức, phương pháp tư duy khoa học về tư tưởng, chủ nghĩa của Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh viên ra trường có thể xin việc vào các trung tâm nghiên cứu, tham gia giảng dạy ở các trường cao đẳng, đại học hoặc trong một số tổ chức của các cơ quan Nhà nước.
5. Ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, tâm thần, lao, phong

Nguồn: Pháp luật TP HCM.

Với yêu cầu nguồn nhân lực cao tại các bệnh viện, trung tâm y tế hiện nay, việc theo học các ngành này ở những trường có chuyên ngành đào tạo sẽ giúp các sinh viên dễ dàng tìm được việc làm sau khi ra trường.

6. Thủy văn (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Đây là ngành khoa học nghiên cứu về sự vận động, phân phối và chất lượng của nước trên toàn bộ trái đất. Những người nghiên cứu về thủy văn học được gọi là nhà thủy văn học. Sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc trong cả lĩnh vực khoa học trái đất hay khoa học môi trường, địa lý tự nhiên hay kỹ thuật xây dựng và kỹ thuật môi trường. Năm nay ĐH Khoa học tự nhiên tuyển 30 chỉ tiêu, thí sinh sẽ thi khối A hoặc A1.

7. Hải dương học (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Nguồn: tourdulichnhatrang.

Là một trong những ngành học khó và kén sinh viên, Hải dương học nghiên cứu về tất cả các vấn đề có liên quan đến biển. Trong đó có tương tác biển, khí quyển và các quá trình xảy ra ở vùng cửa sông, cửa biển. Đây là lĩnh vực nghiên cứu đa ngành liên quan đến toán học, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học về địa chất và môi trường. Năm nay sẽ có 30 chỉ tiêu cho ngành này, thí sinh thi khối A, A1.

8. Địa lý tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Nguồn: phongchonglutbaotphcm.

Sinh viên ngành Địa lý được nắm vững kiến thức cơ bản về khoa học Địa lý hiện đại, nhiệt đới, các vấn đề về tài nguyên - môi trường - xã hội toàn cầu và của Việt Nam. Năm nay trường có 40 chỉ tiêu cho ngành này, thí sinh thi khối A hoặc A1.

Các cử nhân địa lý có thể tham gia nghiên cứu khoa học, giảng dạy địa lý ở các bậc đại học, cao đẳng, THPT (khi được bổ sung thêm nghiệp vụ sư phạm); tham gia đảm nhận công việc trong các lĩnh vực tổ chức và quy hoạch lãnh thổ, quản lý tài nguyên, xây dựng và quản lý các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn và đô thị.

9. Kỹ thuật địa chất (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Đây là ngành luôn chiếm vị trí quan trọng trong các hoạt động sản xuất như khai thác khoáng sản, dầu khí... Tuy nhiên, hiện nay nó vẫn chưa thu hút được nhiều thí sinh do đặc tính của nghề. Là ngành kỹ thuật ứng dụng khoa học địa chất để xác định các yếu tố địa chất ảnh hưởng đến thiết kế, thi công, vận hành công trình kỹ thuật và duy trì các công trình này hoạt động tốt.

Ngành có 30 chỉ tiêu, thi khối A, A1. Các cử nhân địa chất có thể đảm nhận các công tác trong lĩnh vực khoan, khai thác, thu gom vận chuyển khoáng sản và dầu khí tại các công ty khai thác khoáng sản; các Sở khoa học và Công nghệ, Sở tài nguyên môi trường, các bộ phận liên quan đến địa chất, các Viện nghiên cứu...

10. Quản lý tài nguyên và môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Chương trình đào tạo ngành Quản lý Tài nguyên và môi trường được thiết kế nhằm chuẩn bị cho sinh viên kiến thức đầy đủ về phương pháp luận và thực hành về công tác quản lý môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Ngành có 60 chỉ tiêu thi khối A, A1. Quản lý môi trường đô thị, các khu công nghiệp và chế xuất; Quản lý thông tin và quy hoạch môi trường, quản lý chất thải nguy hiểm, các trung tâm nghiên cứu, các khu du lịch sinh thái... là những nơi mà sinh viên sau khi ra trường có thể làm khi tốt nghiệp ngành này.

11. Khoa học đất (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Nguồn: Bảo tàng đất.

Đây là môn khoa học nghiên cứu đất, coi đối tượng nghiên cứu này như là một tài nguyên thiên nhiên trên bề mặt trái đất... Có 3 khối tuyển đầu vào cho ngành này gồm A, A1, B với 30 chỉ tiêu. Sinh viên sau khi ra trường chủ yếu tham gia vào các công việc như quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ môi trường, bảo vệ đất và nước, khảo sát đất, lập trang trại, quản lý sử dụng hóa chất nông nghiệp...

12. Hán Nôm (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Đây được xem là một ngành học khó, cả trong việc học và việc tìm công việc phù hợp sau khi ra trường. Mặc dù nhiều Viện nghiên cứu ngôn ngữ học, các trung tâm giảng dạy vẫn cần nhân lực nhưng để tìm được một người thành thạo về Hán Nôm không phải là dễ. Được mở đào tạo ở khá nhiều trường nhưng đây là ngành không mấy thu hút thí sinh dù có điểm chuẩn thấp.

13. Lịch sử (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Là ngành khoa học được khá nhiều trường đại học đào tạo, lịch sử chủ yếu nghiên cứu và phân tích những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Chương trình đào tạo cử nhân ngành Lịch sử hệ sẽ trang bị cho sinh viên hệ thống những kiến thức cơ bản về các môn học thuộc khối kiến thức chung, Khối kiến thức chung theo lĩnh vực và khối ngành; kiến thức cơ bản, hệ thống về tiến trình lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, về một số môn học bổ trợ, về một chuyên ngành của khoa học lịch sử, có thể học tiếp lên bậc cao hơn và tự học để hoàn thiện và nâng cao năng lực làm việc. Thí sinh có thể thi vào bằng khối C hoặc D1,2,3,4,5,6. Năm nay ngành này sẽ tuyển 88 chỉ tiêu.

14. Nhân học (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)



Nhân học là một ngành khoa học tích hợp kiến thức của các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn và nghệ thuật để nghiên cứu về con người một cách toàn diện. Nhân học được phân thành 5 lĩnh vực, bao gồm nhân học hình thể, khảo cổ học, nhân học văn hóa - xã hội, nhân học ngôn ngữ và nhân học ứng dụng.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan trung ương và địa phương hoạt động về kinh tế, văn hóa - xã hội đặc biệt là hai ngành dân tộc và tôn giáo; các viện nghiên cứu, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình; các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội, các công ty doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước; giảng dạy tại các trường trung học, cao đẳng, đại học...

Ngành có 48 chỉ tiêu với đa dạng khối thi A, C, D1,2,3,4,5,6.

15. Văn học (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Thuộc "top" ngành kén sinh viên, văn học đào tạo cử nhân làm công tác nghiên cứu văn học và những lĩnh vực có liên quan đến văn học như giảng dạy văn học ở các bậc học; hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; theo dõi và quản lý hoạt động văn hóa, văn học... Sau khi hoàn thành chương trình học tập, sinh viên phải có khả năng thẩm định giá trị của các tác phẩm văn chương, có những kỹ năng cơ bản về nghiên cứu và phê bình văn học. ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có 88 chỉ tiêu cho ngành này với các khối thi C, D1,2,3,4,5,6

16. Việt Nam học (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Sẽ có 58 chỉ tiêu cho các thí sinh thi vào trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn năm nay, thi khối C hoặc D1,2,3,4,5,6. Sinh viên học ngành này sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản: kiến thức về văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam, văn học Việt Nam… Sau khi tốt nghiệp, có thể độc lập hành nghề hoặc tiếp tục học ở các bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

17. Triết học (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Theo học ngành này sinh viên sẽ được trang bị hệ thống những kiến thức cơ bản, cơ sở, chuyên sâu của ngành triết học, giúp nắm vững lập trường, quan điểm, phương pháp tư duy khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cử nhân Triết học có thể làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy các khoa học triết học, chủ nghĩa Mác - Lê Nin nói chung và Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng; có thể làm việc trong các ban, ngành của trung ương và địa phương.

Có 68 chỉ tiêu cho ngành triết học, thí sinh thi khối A, C, D1,2,3,4,5,6.

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét