Thầy giáo thời... click

Người đăng: buonkhongem on Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010


Thay vì phấn trắng bảng đen truyền thống, giáo viên chỉ click chuột, vài giây sau trên màn hình hiện ra ngay nội dung bài giảng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đang dần len lỏi vào lớp học phổ thông...

Quan trọng là soạn giáo án

Giáo viên (GV) còn có thể đưa vào những đoạn phim minh họa với hình ảnh, âm thanh sống động để thu hút sự chú ý và tạo hứng thú nơi HS. Tiết lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ có minh họa đoạn phim tư liệu về cuộc chiến với đạn pháo, bom rơi, với những âm thanh rền trời...

Tiết địa lý về các ngành kinh tế công nghiệp, HS sẽ được xem các hình ảnh sản xuất với những âm thanh rộn ràng, tất bật ở những nhà máy, xí nghiệp. Tiết âm nhạc học về đàn bầu, màn hình sẽ hiện ra cận cảnh cây đàn bầu và người nghệ sĩ ngồi gảy đàn với những âm điệu thánh thót, du dương... Đó là những lợi ích từ việc thiết kế giáo án và giảng dạy trên máy tính.

“Phương tiện không đòi hỏi nhiều, chỉ cần một máy tính, một máy chiếu projector và màn ảnh rộng, quan trọng nhất ở khâu soạn giáo án thôi. Giảng dạy trên máy tính, giáo án phải được soạn như một kịch bản để các kiến thức, mô hình minh họa lần lượt hiện ra. Một tiết dạy 45 phút nhưng có bài tôi phải chuẩn bị giáo án trong nửa tháng mới xong" - GV môn hóa Trần Thị Thu Thủy, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, đã đúc kết kinh nghiệm trong bốn năm học liên tiếp giảng dạy trên máy tính như thế.

Một giáo viên môn văn Trường THPT Phan Đăng Lưu còn cho biết có bài ông đã mất cả tháng trời mới soạn xong giáo án, “nhưng đến khi dạy thì rất khỏe, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, GV tự tin hơn, HS cũng phải chủ động hơn. Nhất là những tiết ôn tập môn văn, tập làm văn... Thay vì ngày xưa GV cứ thuyết giảng rồi sau đó cung cấp dàn ý cho HS mang về nhà “tụng”, thì bây giờ bài giảng trên máy tính sẽ gợi ý từng chi tiết một rồi cho HS tự liên kết với nhau thành dàn ý, HS vừa đỡ mất thời gian ghi chép vừa nhớ lâu hơn. Tiết dạy trên máy tính sẽ làm cho HS luôn cảm thấy bất ngờ. Giáo án cũng dễ bổ sung, sửa chữa, thay đổi cấu trúc bài dạy..., dễ trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp...”.

Theo ông Huỳnh Kim Sen, phó trưởng phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay hầu hết GV THPT ở TP.HCM ít nhiều đều đã sử dụng bài dạy trên máy vi tính. Tuy nhiên, các GV cũng tự nhận ra rằng hình thức dạy học này chỉ là một trong những cách hỗ trợ GV đổi mới phương pháp giảng dạy, nên nó chỉ thật sự hiệu quả đối với một số bài chứ không phải tất cả các bài trong chương trình. Và ít ai biết được rằng để có được những tiết dạy hiện đại như thế, nhiều GV đã phải tranh thủ đi học thêm vi tính, miệt mài tập đánh máy đến khuya, học cách scan tranh, ảnh, học cách lồng phim tư liệu vào bài giảng...

Website dạy toán

Bắt nguồn từ các bài giảng khó trên thực tế mà phấn trắng bảng đen không thể thực hiện một cách tốt nhất, bắt nguồn từ những tháng ngày du học ở Pháp “trang web về học hành của họ rất phát triển”, Phạm Thành Luân, GV môn toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, đã đặt câu hỏi: tại sao không dùng tin học để tạo ra các phần mềm minh họa cho phần giảng dạy trực tiếp? Ý tưởng thực hiện một trang web dạy toán ra đời từ đó. Liên kết thêm với bốn GV (ở Trường chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa) cùng một số SV, HS, kỹ sư tin học, cả nhóm bắt tay vào việc nghiên cứu... bằng tiền túi từ tháng 3-2004.

Với đầy đủ nội dung các bài học toán chương trình lớp 10, 11, 12, cách giải một bài toán bằng nhiều phương pháp khác nhau cho HS tự học ở nhà, trang web còn cung cấp các đề thi Olympic 30-4, đề thi trắc nghiệm, đề thi giữa học kỳ, cuối học kỳ, các bài toán vui, câu đố, đề thi toán bằng tiếng Anh ở các nước, đề thi ĐH...

Bên cạnh đó, HS yêu thích toán học sẽ được tìm hiểu về lịch sử toán học, xem hình ảnh, tiểu sử... các nhà toán học nổi tiếng và được giới thiệu nhiều đầu sách cần thiết bồi dưỡng kiến thức toán, chỉ ra các link đến các trang web toán học khác của các nước trên thế giới. Vào trang web dạy toán, độc giả cũng sẽ tìm được những bảng công thức tóm tắt và có thể in ra, xem như “kiến thức tổng quát bỏ túi”...

Cũng vào đầu năm 2005, cả nhóm đã “rinh” công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng trang web để giảng dạy bộ môn toán bậc THPT” lên đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học ở Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM. Đề tài đã được chấm 80/100 điểm, xếp hạng 5/12 đề tài nghiên cứu đăng ký năm 2005.

Theo chủ nhiệm Phạm Thành Luân: “Dự kiến đến tháng 6-2005 này cả nhóm sẽ cho website vietmaths. saigonnews.vn chạy thử và đến tháng 9-2005 sẽ chính thức ra mắt. Điều tôi tâm đắc nhất là các bài toán tập hợp điểm hay, khó sẽ được dựng lại bằng hoạt hình làm cho bài học trở nên sinh động, lôi cuốn hơn, các hình vẽ chuyển động trong không gian sẽ giúp HS dễ hình dung và học dễ dàng hơn... Tin học có thể giải quyết được những bài dạy mà phấn trắng bảng đen không thể diễn đạt hết được”.

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét